Phương pháp da tiếp da cho bé sơ sinh: Lợi ích khi da tiếp da bé
Chúng ta cần ghi nhớ điều này:
- Trẻ sơ sinh là một THAI NHI, vừa trải qua những sự thay đổi lớn.
- Trẻ sơ sinh cần được tiếp tục nuôi dưỡng sinh học để phát triển không gián đoạn.
- Trẻ sơ sinh cần cảm thấy yêu thương, cần biết là có mẹ ngay từ lúc chào đời.”
Betibuti nhớ đến bài thơ “Bầu trời trong quả trứng” của Xuân Quỳnh:
“Tôi cũng không hiểu rõ
Tôi sinh ra vì sao
Tôi đạp vỡ màu nâu
Bầu trời trong quả trứng
Bỗng thấy nhiều gió lộng
Bỗng thấy nhiều nắng reo
Bỗng tôi thấy thương yêu
Tôi biết là có mẹ…”
Contents
I- Phương pháp “nuôi dưỡng sinh học” (biological nurturing) là gì?
Trước tiên, chúng ta luôn luôn phải nhớ rằng bé, khi còn là thai nhi, đã được nuôi dưỡng sinh học bên trong cơ thể mẹ trong 9 tháng. Thai nhi được cung cấp môi trường nhiệt độ ấm áp ổn định từ thân nhiệt của mẹ, được bao bọc trong môi trường tiệt trùng của nước ối, được nghe hơi thở, nhịp tim, tiếng nói của mẹ, được cung cấp tất cả dưỡng chất và oxy qua dây nhau của mẹ.
Thế mà chỉ sau vài phút, tất cả thế giới của bé thay đổi hoàn toàn: “từ thế giới bào thai vào thế giới rộng lớn” (from womb to world). Do đó, chúng ta phải hiểu rằng nuôi dưỡng sinh học sau khi bé sinh ra là tạo mối liên kết, là giai đoạn chuyển tiếp tối cần thiết giữa thế giới bào thai và thế giới này cho bé.
Ở Việt Nam, và một số nơi trên thế giới vẫn áp dụng theo phương pháp cũ, hầu như tất cả trẻ sơ sinh luôn được quấn chặt trong khăn và được nằm riêng, hoặc người khác bế, vì sợ bé lạnh, vì sợ bé bám hơi mẹ, sau này con không tách được mẹ để mẹ đi làm, do đó phương pháp mẹ ấp con không có ở Việt Nam — ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt bé sinh non, được nuôi kiểu Kangaroo (KMC – Kangaroo Mother Care).
Phương pháp mẹ ấp con “da-tiếp-da” (skin-to-skin) và kiểu Kangaroo đã được chứng minh có năng lực tiếp tục nuôi bé phát triển và hoàn chỉnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chủ yếu được áp dụng để nuôi bé sinh non. Từ đầu những năm 2000, phương pháp da-tiếp-da này đã được thực hành tại các bệnh viện trên thế giới và được WHO đặc biệt khuyến khích cho TẤT CẢ trẻ sơ sinh, kể cả trẻ sinh đủ tháng và mạnh khoẻ.
Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy rằng bé được nuôi theo phương pháp da-tiếp-da bị bám hơi mẹ hơn những trẻ em khác. Ngược lại, trẻ được nuôi bằng phương pháp nuôi dưỡng sinh học phát triển tốt, thể hiện sự tự tin trong các bước phát triển tiếp theo.
II- Phương pháp nuôi dưỡng sinh học có những lợi ích gì?
1- Tăng cường việc tiếp tục phát triển não: Da-tiếp-da là một trải nghiệm “đa giác quan” (multi-sensory) giúp gia tăng sự phát triển các mạch thần kinh và sự trưởng thành của não bộ. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh được ấp kiểu Kangaroo có được nhiều thời gian ngủ yên và sâu, giúp mạng lưới thần kinh tổ chức các mẫu tương tác và phát triển não.
2- Giúp trẻ an tâm: Được mẹ ấp da-tiếp-da kiểu Kangaroo, chỉ sau 20′, nồng độ hocmon stress cortisol đo được giảm đi đáng kể (hocmon này được phát ra một cách tự nhiên trong những phút đầu sau khi chào đời, giúp kích hoạt một số tuyến thần kinh, hócmon và men nội tại). Và, đặc biệt là cảm giác đau của bé cũng giảm đi đáng kể (cũng tự nhiên tại gan vài phút đầu chào đời, khi hệ tuần hệ tuần hoàn thai nhi chuyển thành hệ tuần hoàn sơ sinh). Kết quả là, trẻ sơ sinh, được mẹ ấp thường xuyên ít khóc hơn và ít bị kích động hơn.
3- Ổn định thân nhiệt cho trẻ: Mặc dù, trẻ sơ sinh mạnh khoẻ có khoảng 2%-5% trọng lượng cơ thể là mô mỡ nâu (brown adipose tissue) giúp giữ ấm cơ thể bé, bé vẫn cần được da-tiếp-da với mẹ để điều chỉnh và ổn định thân nhiệt, bởi vì duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định là điều cần thiết cho sự phát triển liên tục của trẻ sơ sinh. Trong vòng vài phút sau khi mẹ bắt đầu ấp con, phần ngực của mẹ tự động điều chỉnh để “làm mát” hoặc “sưởi ấm” cho bé, để đáp ứng đúng nhiệt độ cơ thể cần thiết, gọi là “cơ chế điều nhiệt” (thermoregulation). Thật là kỳ diệu, đối với mẹ sinh đôi, sinh ba và ấp tiếp da nhiều bé cùng một lúc, từng phần da ngực của mẹ có thể điều nhiệt để đáp ứng thân nhiệt riêng của mỗi bé trong cùng một lúc!
4- Hỗ trợ phát triển hệ miễn nhiễm: Hệ thống miễn dịch của em bé được kích thích khi được mẹ ấp da-tiếp-da. Hệ thống miễn dịch trưởng thành của mẹ truyền các kháng thể thông qua làn da của mẹ và sữa mẹ cho bé, tăng độ ẩm cho da bé và tạo một lớp bảo vệ chống vi khuẩn có hại thâm nhập qua da của bé.
5- Hấp thụ dinh dưỡng tốt: Phương pháp mẹ ấp con giúp giảm hocmon stress cortisol + somatostatin ở trẻ sơ sinh, giúp bé hấp thụ tốt nhất sữa non của mẹ và chuyển hoá năng lượng dữ trữ từ glycogen và mô mỡ trắng(*), giúp tiêu hoá và hấp thu dưỡng chất tốt hơn, giúp nuôi não tối ưu và giảm các vấn đề tiêu hóa. Chỉ sau một giờ da-tiếp-da, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh khôi phục lại sự cân bằng tạo nên “chức năng tiêu hóa” (GI function) tối ưu.
6- Ổn định nhịp tim và nhịp thở: Như được “dẫn dắt” bởi nhịp tim và nhịp thở đều đặn của mẹ, và sự điều tiết tối ưu của các hocmon cần thiết, nên khi được tiếp da với mẹ, cơ thể bé học cách tự điều chỉnh để có nhịp thở và nhịp tim ổn đinh. Khảo sát cho thấy 75% trường hợp hơi thở yếu và nhịp tim chậm được tự điều chỉnh chỉ nhờ được mẹ ấp da-tiếp-da.
7- Gia tăng khả năng bú mẹ: Nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh được mẹ ấp tiếp da sớm ngay sau khi chào đời, có khả năng bú mẹ trong giờ đầu tiên gấp hai lần so với trẻ được quấn khăn. 60 phút da-tiếp-da làm tăng hocmon prolactin ở mẹ giúp tạo sữa và giúp bé bú mẹ liên tục.
Ngoài ra, phương pháp mẹ ấp con da-tiếp-da và cho con bú mẹ sớm còn giúp mẹ giảm những hocmon cần giảm, gia tăng những hocmon cần tăng, giúp mẹ phục hồi tâm lý và cơ thể sau khi sinh một cách nhanh chóng và tự nhiên.
(*) “Cơ chế điều tiết đối ứng” (counter-regulation – Betibuti sẽ viết một bài chi tiết về cơ chế này) giúp cân đối nồng độ đường trong máu và năng lượng dự trữ 72g ở trẻ sơ sinh: Glycogen là hình thức dự trữ của đường glucose, lượng glycogen ở trẻ sơ sinh nhiều gấp 3 lần lượng glycogen dự trữ ở người lớn tính theo tỉ lệ trọng lượng cơ thể và mô mỡ trắng được dự trữ trong thai nhi trong quý 3 thai kỳ chiếm 10-12% trọng lượng. Sau khi bị cắt rời khỏi dây nhau 3g, nồng độ đường glucose ở trẻ sơ sinh giảm thấp nhất, gọi là hạ đường huyết sơ sinh sinh lý ở trẻ sinh đủ tháng và khoẻ mạnh (không phải hạ đường huyết bệnh lý). Hiện tượng này kích thích tuyến tuỵ tạo hocmon glucagon và kích hoạt cơ chế “điều tiết đối ứng”. Cơ chế này giúp cân bằng nồng độ đường glucose trong máu bằng cách “tái chế đường glucose từ glycogen” (glycogenolysis) và axit béo tự do từ mô mỡ trắng (lipolysis of white adipose tissue) cung cấp năng lượng liên tục cho bé trong 72g đầu đời, đảm bảo đủ thời gian dạ dày bé nhỏ tiếp nhận vừa đủ lượng sữa non của mẹ và cho niêm mạc ruột học “lập trình đầu đời” (Betibuti cũng đã có bài viết về cơ chế “lập trình đầu đời”) mà không cần glucose/ sữa công thức bổ sung cho đến khi sữa già của mẹ về dồi dào.
III- Cách mẹ thực hành “nuôi dưỡng sinh học” bé sơ sinh:
Bé chỉ mặc tã, người để trần được ấp trên ngực trần của mẹ. Bé được đắp khăn che kín lưng, hoặc được ấp trên ngực trần của mẹ bên trong áo mẹ. Thời gian ấp càng sớm càng tốt ngay sau khi chào đời trong ít nhất 1 tiếng 1 lần, và càng liên tục càng tốt. Và bé được bú ti sữa non mẹ trực tiếp càng sớm càng tốt, từ 8 – 12 cữ trong 3 ngày đầu tiên, nếu có thể, tiếp tục trong tuần đầu tiên.
IV- Kết luận:
Thế nên khi trẻ sơ sinh khóc, chúng ta có hai cách hiểu và hai lựa chọn:
1- cho rằng bé khóc vì đói, cho rằng sữa non của mẹ không đủ no, nên cho bé bú 1 bình sữa công thức. Kết quả: bé ngừng khóc và ngủ do chất gây buồn ngủ casomorphin trong casien protein của sữa bò, thành phần chính của sữa công thức.
2- hiểu rằng bé khóc do stress vì bị bất ngờ tách rời khỏi mẹ, nên cho bé được ấp da-tiếp-da với mẹ. Kết quả: bé ngừng khóc và ngủ say và hưởng được trọn vẹn 7 lợi ích kể trên.
Từ kiến thức bài viết cung cấp, Betibuti hy vọng các bố mẹ, ông bà lựa chọn cách 2 (đúng nhưng hiếm thấy ở VN) thay vì cách 1 (sai nhưng rất phổ biến), để bé được phát triển tối ưu.
Chúc các mẹ nuôi con sữa mẹ thành công!
Tham khảo thêm (tiếng Anh): http://apps.who.int/rhl/newborn/gpcom/en/
Đáng tiếc là đến thời điểm này, vẫn nhiều mẹ đưa ra nhiều trở ngại không thể cho con da tiếp da mẹ, cảm thấy cho con bú vài bình sữa công thức đầu đời dễ làm hơn là ấp con với mẹ.
TIẾP DA CHO CON NHƯ THẾ NÀO? CÁCH TIẾP DA CHO CON
1- Da tiếp da con ngay sau khi sinh (bắt đầu từ vài phút sau khi sinh liên tục không gián đoạn 1g, hoặc đến sau khi bé tự tìm ti mẹ bú được cữ đầu tiên là tốt nhất)
Điều này phụ thuộc vào Bsi và BV, nên nếu không thể làm được thì:
2- Da tiếp da con ngay khi con được trở về v mẹ trong bệnh viện (1 g liên tục không gián đoạn, nhiều lần (có thể 8-12) trong ngày hoặc tất cả các cữ bú, lần tiếp mẹ bắt đầu không quá 6g sau khi sinh là tốt nhì).
Vì vậy những mẹ sinh mổ cũng đừng buồn không được tiếp da cho con ngay lúc đó, vì sau khi trở về từ phòng hồi sức sẽ được gặp và tiếp da cho con. Không chỉ vậy, chúng ta còn cả cả tấm lòng yêu thương con cho suốt cả cuộc đời về sau. Ở nhiều nước, thậm chí cả Việt Nam ba cũng vào phòng sinh và tiếp da cho con nữa.
Nên nếu, cho dù là có đông người qua lại
ngày đầu ở BV, có “sexy vài phút” để đưa được con vào tiếp da trong chăn với mẹ thì mẹ cũng vẫn cần phải đặt ưu tiên. Khoả thân vì con cũng đáng chứ sao, huống gì không đến mức phải khoả thân đâu mà các mẹ ngại? các mẹ sắp sinh suy nghĩ kỹ nhe!
3- Sau khi bé xuất BV, về nhà rồi.. có thể cho con da tiếp da thì cũng không thấy các mẹ àm?
Các mẹ vẫn than ít sữa thiếu sữa.. thì bao nhiêu lời khuyên như thuốc lợi sữa, móng giò, sữa nóng… mà không thấy các mẹ nhăc nhau, da tiếp da cho con nhiều vào! DA-TIẾP-DA và cho con bú trực tiếp! Hãy làm thử đi, bạn (và con bạn) sẽ thích ngay mà! Vì bầu vú mẹ, cơ thể mẹ lúc này như bộ cảm biến, cảm biến với tần số, năng lượng của con nên cơ thể cứ thế tiết sữa ra vì con, nuôi con.
4- Tóm tắt lợi ích:
Con tiếp da mẹ một giờ liên tục -> giảm khóc -> giảm nguy cơ bị bú sữa công thức -> được lập trình đầu đời, không bị hở ruột -> giảm nguy cơ sai khớp ngậm -> giảm nguy cơ mẹ bị tắc sữa, nứt cổ gà -> giảm nguy cơ con bú không hiệu quả -> giảm nguy cơ các mẹ không đủ -> giảm nguy cơ con bị dặm sữa công thức sớm hay con bị ăn dặm sớm
5- Sợ trời lạnh, con lạnh thì nên hiểu lại:
Tưởng rằng “quấn con trong khăn con sẽ ấm hơn da-tiếp-da v mẹ” là sai.
Con tiếp da mẹ (và đắp chăn cho cả 2 mẹ con chung) thì con sẽ được “điều nhiệt tốt hơn”, là quấn trong chăn một mình.
Vi khi con quấn 1 mình trong cái chăn của con:
- 1- cái chăn chỉ lưu giữ nhiệt của con, chứ nó không điều nhiệt cho con. Có nghĩa, có thể bé vẫn không đủ ấm, có thể bé quá nóng.
- 2- năng lượng để sưởi ấm con (và cái chăn) là năng lượng lấy từ cơ thể con)
- Trong khi đó, con tiếp da mẹ (và được quấn trong cùng cái chăn to) với mẹ:
- năng lượng để sưởi ấm cho cả cặp mẹ và con chủ yếu là năng lượng từ mẹ, là cơ thể mẹ toả năng lượng để sưởi ấm cho con,
- cơ thể mẹ không chỉ sưởi ấm mà “điều nhiệt: có nghĩa, phần da tiếp xúc giữa mẹ và con giống như là một máy cảm ứng, luôn được điều chỉnh để nhiệt độ ấm ổn định nhất. Nếu con nóng, người mẹ sẽ giảm toả năng lượng, nếu con lạnh phần da tiếp xúc v con sẽ tăng năng lượng để con vừa đủ ấm.
- nếu mẹ ấp hai 2 đứa sinh đôi, mỗi phần da mẹ tiếp xúc v mỗi đứa bé, sẽ cảm ứng điều nhiệt riêng cho từng vùng da đó.
Để tối đa diện tích tiếp xúc thì con nằm dang tay chân như con ếch úp trên bụng mẹ, và đắp chăn cho cả mẹ và con, vây trong chăn sẽ lưu giữ được cả nhiệt từ thân nhiệt của mẹ và thân nhiệt của con.
6- Sơ vướng dây rốn tức bụng khi bé úp trên bụng mẹ là sai: Con mặc tã che rốn. không có đau rốn tức bụng như người lớn tưởng tượng.
7- Mẹ sinh mổ, sinh thường, đứng, nằm, ngồi đều có thể ấp con ngay sau khi sinh và tiếp tục sau đó.
8- Đọc bài viết đầy đủ cơ sở khoa học của Da-tiếp-da để hiểu và làm cho đúng.
Lơi ích và cách để làm đúng da tiếp da được nói đến rất nhiều trong các bài viết của Betibuti, đặc biệt là bài Nuôi Dưỡng sinh học của Betibuti.
Đừng để sau này lại tiếc nuối nhe!
Chúc các mẹ siêng đọc, hiểu đúng và làm đúng, để con được nuôi con sữa mẹ hoàn toàn!
Bài viết do các chuyên gia bé betibuti dịch và biên soạn
Xin cảm ơn các anh chị vì một vài viết đầy đủ như thế này.