Trò chơi nhi đồng, trò chơi cho trẻ em chơi lễ hội, trò chơi cho trẻ tập thể, Đây là những trò chơi dân gian cho trẻ em, tùy vào độ tuổi của trẻ mà cô giáo biến tấu lời thơ cho phù hợp.
Contents
- Ý NGHĨA CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN TẬP THỂ CHO TRẺ EM
- VÀI CÁCH BẮT THĂM ĐỂ THAM GIA TRÒ CHƠI TẬP THỂ: BẮT THĂM PHÂN ĐỘI KHI CHƠI
- TỔNG HỢP TRÒ CHƠI DÂN GIAN HAY CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN KHI TỔ CHỨC LỄ HỘI SINH HOAT TẬP THỂ
- 1. CHƠI DIỀU TRÒ CHƠI LỄ HỘI CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN
- 2. TRÒ CHƠI THẢ MỒI ĐỚP BÓNG HAY CHO TRẺ EM
- 3. TRÒ CHƠI HAY CHO TRẺ EM: CHỒNG ĐỐNG CHỒNG ĐE
- 4. HỒ KHOAN
- 5. BÀI HÁT TRÒ CHƠI RUNG-RĂNG RUNG-RẺ
- 6. BÀI VÈ TRÒ CHƠI NU-NA NU-NỐNG
- 7. NU-NA NU-NỐNG (II)
- 8. XỈA CÁ MÈ
- 9. THẢ ĐỈA BA BA
- 10. CHI-CHI CHÀNH-CHÀNH
- 11. VẤN ĐÁP
- 12. TẬP TẦM VÔNG
- 17. ĐÁNH CHUYỀN
Ý NGHĨA CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN TẬP THỂ CHO TRẺ EM
- Trò chơi nhi đồng Việt-Nam cũng như trò chơi nhi đồng của bất cứ nước nào đều không ít thì nhiều vụ vào những mục đích giáo dục.
- Tỉ như : Trò « Rung-răng rung-rẻ » giúp các em nhỏ có những cử động nhịp-nhàng. Những trò chơi chạy, nhảy, rượt, đuổi đều có tác dụng làm cho bắp thịt các em nẩy-nở.
- Trong trò chơi « Thả đỉa ba ba » em bị rượt đuổi phải luôn luôn làm chủ được những cử động của mình chợt chạy tả, chợt chạy hữu… để khỏi bị bắt.
- Trò chơi « Rồng rắn » chẳng hạn, dạy các em tinh thần liên đới, bởi các em ở bên « rắn » phải luôn luôn liên kết thành một khối, đầu chặn thầy thuốc để đuôi chạy.
- Trò chơi « Ú tìm » giáo dục thính quan, thị quan ; các em vừa lắng nghe vừa chú mục nhìn để khám phá ra nơi có kẻ trốn nấp.
- Trò chơi « Câu đố » huấn luyện trí thông-minh suy đoán. Trò chơi thả diều (nhiều thứ diều) vừa giúp tâm trí thảnh-thơi vừa huấn luyện óc thẩm mỹ.
Vào dịp trung thu các em kết đoàn lại để rước đèn, vừa đi vừa hát « hồ khoan » thực vừa có tính cách thẩm mỹ vừa có tính cách luân lý.
VÀI CÁCH BẮT THĂM ĐỂ THAM GIA TRÒ CHƠI TẬP THỂ: BẮT THĂM PHÂN ĐỘI KHI CHƠI
Rút thăm
Nếu cần chỉ định một trong nhiều em giữ một vai trò gì, có cách rút thăm bằng que. Em nào rút phải chiếc que cụt, hoặc chiếc que gẫy, em đó phải lãnh vai trò. Nếu trò chơi chia làm hai phe, có thể bắt thăm nhiệm vụ chỉ định cho một trong hai phe bằng cách « Oẳn, tù, tì » hay « Sì gà ».
Oẳn tù tì
« Oẳn, tù tì » là phiên âm ba tiếng Anh One, Two, Three (một, hai, ba). Hai em đứng đối diện nhau vừa đu-đưa nắm tay vừa đọc : « Oẳn, tù, tì, Cái gì ? Cái này ! » Dứt lời mỗi em phải quyết định « xuất trình » hình thù tay của mình theo một trong ba kiểu sau đây :
- Cả bàn tay xoè rộng tượng trưng tờ giấy.
- Chỉ có ngón tay trỏ và ngón tay giữa ruỗi ra tức là cái kéo.
- Cả bàn tay nắm lại hình quả đấm là cái búa (với các em nhi đồng Nhật-Bản thì là hòn đá). Tờ giấy thắng búa vì bọc được búa, nhưng lại thua kéo vì kéo cắt được giấy. Búa tuy thua giấy nhưng lại thắng kéo, vì chính với búa thợ rèn đã rèn đập ra kéo.
Chia đội trò chơi sì gà
« Sì Gà » : Hai em cũng đứng đối diện và sau khi đã cùng phát âm tiếng « sì » giữa hai hàm răng thì cùng giơ một trong bốn ngón tay sau đây lên ngang mắt :
Ngón cái : vua bắt kẻ trộm.
Ngón trỏ : kẻ trộm bắt gà.
Ngón giữa : gà mổ mối.
Ngón đeo nhẫn : mối đục chân vua.
Sau đây là một số trò chơi phổ thông của các trẻ em Việt, đặc biệt là ở vùng quê :
TỔNG HỢP TRÒ CHƠI DÂN GIAN HAY CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN KHI TỔ CHỨC LỄ HỘI SINH HOAT TẬP THỂ
1. CHƠI DIỀU TRÒ CHƠI LỄ HỘI CHO TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN
Trò chơi này không riêng cho trẻ em mà cho cả người lớn nữa. Có điều người lớn thì chơi những diều cỡ bự mang sáo chiêng, sáo đẩu.
Có diều lớn tới ba thước chiều ngang, một thước chiều rộng mang một bộ ba cái sáo, sáo lớn kêu âm u gọi là sáo chiêng (phải chăng vì kêu âm-u như tiếng chiêng), sáo cỡ trung gọi là sáo đẩu.
Ngày hội có những cuộc thi diều cho người lớn, giải thưởng thật hậu, chẳng thế mà ca dao ta đã có câu : Cầm dây cho chắc, Lúc-lắc cho đều Để bố đâm diều Kiếm gạo con ăn.
Các em nhỏ thì chơi loại diều nhẹ. Người khéo tay có thể làm được nhiều thứ diều : diều con cốc, diều con quạ, diều con cá, diều con bướm, diều con rết, diều chữ thập, diều cánh phản, diều mặt giăng… Các em có thể chơi diều sáo loại nhỏ, hoặc loại diều vằng.
Đồng bào miền Hưng-Yên (Bắc-Việt) gọi vằng là cái mạng vì vằng làm bằng màng giang chuốt thật mỏng ; lúc diều lên gặp gió, màng giang của vằng rung lên kêu « vè vè » rất vui tai.
2. TRÒ CHƠI THẢ MỒI ĐỚP BÓNG HAY CHO TRẺ EM
Sau khi đã rút thăm để xem ai phải làm trò « thả mồi đớp bóng », các em khác thả lên mặt ao chiếc bong bóng lợn đầu có buộc một sợi dây dài chừng năm mươi phân. Trong khi em nọ vừa bơi vừa hụp cố há miệng đớp lấy sợi dây thì các em xung quanh đua nhau khuấy vỗ cho mặt nước nổi sóng chao-chát. Nếu em kia đớp được sợi dây thì em ở gần nhất lúc đó phải thay thế ; nếu qua một thời gian ước định mà không được thì phải phạt « giồng cây chuối », nghĩa là em phải hụp đầu xuống nước, hai chân ruỗi thẳng chổng ngược lên mặt nước.
Suốt thời gian đó các em khác hát lớn bài sau đây :
Thả mồi đớp bóng,
Cho chóng mà lên.
Nếu không thì giồng cây chuối,
Cho chúng ta xem.
3. TRÒ CHƠI HAY CHO TRẺ EM: CHỒNG ĐỐNG CHỒNG ĐE
Các em ngồi hay đứng thành vòng tròn xếp nắm tay lần-lượt theo chiều cao một em đứng riêng ra vừa lần lượt chỉ từng nắm tay vừa hát :
Chồng đống chồng đe.
Con chim le lưỡi.
Nó chỉ thằng nào ?
Nó chỉ thằng này !
Chữ « này » sau cùng rơi vào nắm tay em nào em đó lập tức vùng đuổi, các em khác cũng lập tức vùng chạy toả ra bốn phía. Em nào chạy không kịp bị bắt thì phải vào thay thế.
4. HỒ KHOAN
Vào dịp Tết trung-thu các em trong làng, xóm tụ-tập nhau để rước đèn. Em trưởng đoàn vừa điều khiển cuộc rước đèn theo các đường trong làng trong xóm, vừa điều khiển nhịp hát hồ khoan, nội dung câu hát thường có tánh-cách luân-lý, đại để như sau :
Bắt cái, bắt cái này, hồ khoan !
Ai ơi chớ vội cười nhau, C
ây nào mà chẳng có sâu chạm cành.
Hồ khoan ! Bắt cái, bắt cái này, hồ khoan !
Làm người mà chẳng biết suy,
Đến khi nghĩ lại còn gì là thân Hồ khoan !
5. BÀI HÁT TRÒ CHƠI RUNG-RĂNG RUNG-RẺ
Rung-răng rung-rẻ,
Dắt trẻ đi chơi.
Đến cửa nhà chòi,
Lạy cậu lạy mợ,
Cho cháu về quê,
Cho dê đi học,
Cho cóc ở nhà,
Cho gà bới bếp!
Xì-xà xì-xụp,
Ngồi thụp xuống đây.
6. BÀI VÈ TRÒ CHƠI NU-NA NU-NỐNG
(I) Nu-na nu-nống,
Cái Cống nằm trong.
Cái Ong nằm ngoài,
Củ khoai chấm mật.
Phật ngồi phật khóc
, Con cóc nhảy ra,
Con gà ú ụ,
Nhà mụ thổi xôi,
Nhà tôi nấu chè.
Tè he chân rụt.
7. NU-NA NU-NỐNG (II)
Nu-na nu-nống,
Thằng cộng, cái cạc.
Chân vàng, chân bạc.
Đá xỉa, đá xoi. Đá đầu con voi.
Đá lên, đá xuống.
Đá ruộng bồ câu.
Đá râu ông già.
Đá ra đường cái.
Gặp gái đi đường.
Có phường trống quân.
Có chân thì rụt.
8. XỈA CÁ MÈ
Xỉa cá mè.
Đè cá chép.
Chân nào đẹp,
Đi rào men.
Chân nào đen,
Ở nhà làm gà làm chó.
9. THẢ ĐỈA BA BA
Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt đàn bà.
Phải tội đàn ông,
Cơm trắng như bông.
Gạo tiền như nước,
Đổ mắm đổ muối.
Đổ chốt hạt tiêu,
Đổ niêu cứt gà.
Đổ phải nhà nào,
Nhà ấy phải chịu.
10. CHI-CHI CHÀNH-CHÀNH
Chi-chi chành chành !
Cái đanh thổi lửa.
Con ngựa chết trương,
Ba vương ngũ đế.
Chấp chế đi tìm.
Hú tiu, bắt… ập !
CHÚ THÍCH : Một em xoè bàn tay trái rồi cùng ba bốn em khác cùng đặt ngón tay trỏ vào giữa lòng bàn tay. Em hát bài trên, đến câu cuối cùng cố ý kéo dài giọng ở chữ « bắt » để rồi bất thình lình nắm tay lại cùng với chữ « ập ». Em nào rút chậm bị giữ ngón tay trỏ, em đó phải ở lại, tự bịt mắt để các em khác đi trốn. Em nào bị tìm thấy đầu tiên sẽ phải thay thế.
11. VẤN ĐÁP
– Chú gì ?
– Chú chuột.
– Chốt gì ?
– Chốt tre.
– Bè gì ?
– Bè muống.
– Ruộng gì ?
– Ruộng nương.
– Đường gì ?
– Đường cống
– Cống gì ?
– Cống sáp.
– Sáp gì ?
– Sáp ong.
– Lòng gì ?
– Lòng giời ?
– Chơi gì ?
– Chơi tán
– Tháng gì ?
– Tháng chầu,
– Chầu gì ?
Chầu… bụt !
12. TẬP TẦM VÔNG
Tập tầm vông,
Tay nào không ?
Tay nào có ?
Tập tầm vó,
Tay nào có ?
Tay nào không ?
13. CHỒNG LỘNG CHỒNG CÀ (I)
Chồng lộng, chồng cà.
Bí đao bí đỏ,
Mày ngồi đầu ngõ,
Mày nhặt lông mày.
Mày cày ruộng ấu,
Mày giấu tay nào ?
Mày giấu tay này !
14. CHỒNG LỘNG, CHỒNG CÀ (II)
Chồng lộng, chồng cà.
Mày xoà hoa khế,
Khế ngâm, khế chua,
Cột đình, cột chùa,
Nhà vua mới làm.
Cây cam, cây quýt,
Cây mít, cây hồng.
Cành thông, lá nhãn,
Ai có chân, có tay thì rụt.
15. MÍT MẬT MÍT GAI
Mít mật mít gai,
Mười hai thứ mít.
Vào ăn thịt
Ra ăn xôi
Chú chẳng nghe tôi
Tôi bịt mắt chú
Ẩn đâu cho kín
Bao giờ lúa chín thì về.
16. MÙI XOẢ MÙI XOA
Mùi-xoả mùi-xoa,
Tao cho xuống đất.
Đứa nào sợ quất,
Sờ lại phía sau.
Đứa nào sợ đau,
Mau mau chạy trốn.
17. ĐÁNH CHUYỀN
Từ hai đến năm em tụ tập lại. Đồ chơi là một viên cuội nặng (bây giờ là một trái banh) và mười chiếc que gọi là mười con chắt.
Lần thứ nhất : Các em tung hòn cuội hay trái banh lên cao rồi dùng cả hai tay xoay tròn nắm que một vòng, và khi hòn cuội rơi xuống cũng vừa kịp bắt. Vừa làm vậy các em vừa hát bài sau đây :
Giồng luống cải, Giải con chắt.
Một giẻo-giang.
Hai sang đò.
Ba cò kếu.
Bốn nghêu-ngao.
Năm đao thớt
Đặt xuống đất.
Cất lên tay.
Khi đọc đến câu 8, em đặt cả mười con chắt xuống ; đến câu 9, câu cuối cùng, em lại vơ cả mười con chắt lên tay.
Lần thứ hai : Em duỗi thẳng hai chân, giải những con chắt lên đó vừa hát vừa làm theo lời hát :
Giải xuống chân,
Nưng lên một,
Chộp lấy đôi.
Em lại đặt cả mười con chắt xuống chân, hát và làm tiếp cho đến :
Giải xuống chân,
Nưng lên một,
Chộp lấy mười. (
Vì chỉ có mười con chắt nên hai lần sau cùng « chộp lấy chín » và « chộp lấy mười » làm như nhau) Lần thứ ba :
Giải xuống đất,
Cất lên tay.
Sang tay qua.
Ra tay chống.
Chống chống một
Cứ thế em hát cho đến « Chống chống mười ».
Hát câu thứ nhất, em giải mười con chắt xuống đất ; sang câu hai, em vơ những con chắt lên tay ; hát câu ba, em đưa bó chắt sang tay kia ;
câu bốn, em đưa bó chắt trở về tay cũ (thường là tay mặt) ;
từ câu năm trở đi thì mỗi lần tung hòn cuội lên em lại chống chống bó chắt xuống theo đúng nhịp hát để vừa kịp bắt lấy hòn cuội khi rơi xuống.
Cứ như vậy cho đến « Chống chống mười ».
Lần thứ tư :
Giải xuống đất.
Cất lên tay.
Sang tay qua.
Ra tay quét.
Quét quét một…
Lần này em cũng làm như lần trước chỉ khác là khi hát đến câu « Quét quét một » thì em dùng bó chắt làm điệu quét quét.
Cứ như vậy tuần tự cho đến « Quét quét mười ».
Lần thứ năm :
Em vừa tung cuội, chuyển bó chắt từ tay nọ sang tay kia, vừa nhịp-nhàng bắt lấy hòn cuội khi rơi xuống cùng với lời hát :
Đầu quạ.
Quá giang.
Sang đò.
Giồng cây
. Ăn quả.
Nhả hột.
Cũng có nơi bài hát dài hơn như sau :
Đầu qua.
Quá giang.
Sang sông.
Về đò.
Cò nhảy.
Gẫy cây.
Mây leo.
Bèo trôi.
Ổi xanh.
Hành bóc.
Róc vỏ.
Đỏ lòng.
Tôm cong.
Đít vịt.
Sang cành nẻ.
Bẻ cành xanh.
Vét bàn thiên hạ.
Đến đây vừa hết một chu kỳ của trò chơi. Em nào bị lỗi ở quãng nào thì phải nhường lượt cho em kế tiếp. Tùy địa phương trò chơi này có thể gia giảm khác đi chút ít.
18. PHỤ ĐỒNG CHỔI
Phụ đồng chổi,
Thôi lổi mà lên.
Ba bề bốn bên,
Đồng lên cho chóng.
Hoặc là cửa đóng,
Cũng phá mà vào.
Cách sông cách ao,
Cũng lội mà sang.
Cách đò cách giang,
Cũng sang cho được.
Ông chổi đi trước,
Bà chổi đi sau.
Một lũ lau nhau,
Đồng lên cho chóng.
19. PHỤ ĐỒNG ẾCH
Ếch ! Ếch ! Mày mới về đây,
Nói dăm câu chuyện cho thầy nghe xem.
Thân ếch là thân ếch hèn,
Giường chiếu chẳng có nằm trần đất không.
Gặp ông quỷ lão thần thông,
Thắt lưng bó đuốc tìm trông việc gì.
Tìm tôi có việc phu thê,
Chốn này không vợ, chốn kia không chồng.
Ông bắt tôi ông bỏ vào lồng,
Tôi kêu « ễnh ộp » chẳng lòng nào tha.
Tháng tám lúa tốt xanh xa,
Tháng ba gieo mạ sương sa đồng ngoài.
Tôi ngồi, tôi nấp bụi khoai,
Ông ném một mồi tôi phải thò ra.
Tham ăn mắc phải răng hà,
Cha hời, mẹ hỡi xiên qua, mép này !
Tôi về đây trách cậu, trách dì,
Sẵn dao, sẵn thớt băm thì chẳng tha.
Thứ nhất là củ hành hoa,
Thứ nhì nước mắm thứ ba củ riềng.
Thứ tư là hạt hồ tiêu,
Tán ra cho đều vừa hắc vừa cay.
Khen thay thằng bé hai tay,
Miếng nạc nó gắp, xương rày thảy xa.
Giầu đâu ăn đỏ môi ta,
Rượu đâu uống chén, ắt là hồn lên.
20. TRÒ CHƠI RỒNG RẮN
Thầy thuốc
– Rồng rắn đi đâu ?
Rồng Rắn –
Rồng rắn đi lấy thuốc cho con.
TT – Con lên mấy ?
RR – Con lên một.
TT – Thuốc chẳng hay.
RR – Con lên hai.
TT – Thuốc chẳng hay.
RR – Con lên ba,
TT – Thuốc chẳng hay.
RR – Con lên bốn TT –
Thuốc chẳng hay
RR – Con lên năm
TT – Thuốc chẳng hay.
RR – Con lên sáu
TT – Thuốc chẳng hay
RR – Con lên bảy
TT – Thuốc chẳng hay R
R – Con lên tám
TT – Thuốc chẳng hay.
RR – Con lên chín
TT – Thuốc chẳng hay.
RR – Con lên mười
TT – Thuốc hay vậy. Xin khúc đầu.
RR – Những xương cùng xẩu
TT – Xin khúc giữa RR
– Những máu cùng me
TT – Xin khúc đuôi RR
– Tha hồ mà đuổi.